NHÌN VỀ VỐN VĂN HÓA DÂN TỘC
I-
NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ
1. Về tác giả và thời điểm tác phẩm ra đời
Trần
Đình Hượu (1926 – 1995) quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông
là nhà nghiên cứu chuyên vè các vấn đề tư tưởng, văn hóa và văn học Việt Nam.
Ông sở trường về nghiên cứu tư tưởng phương Đông, nhất là Nho giáo và ảnh hưởng
của nó đến tư tưởng, văn hóa, văn học Việt Nam. Định hướng nghiên cứu của ông
khi đọc các hiện thượng văn hóa, văn học quá khứ là tìm mối liên hệ của quá khứ
và hiện tại. Cuốn sách tập hợp các bài viết của ông có tên Đến hiện đại từ truyền thống đã nói lên định hướng nghiên cứu đó.
Không thể hiểu đúng văn hóa và văn học Việt Nam hiện đại nếu như không hiểu biết
quá khư. Một đặc điểm nữa trong các công trình nghiên cứu của ông là sự ngầm ẩn
cảm hứng đối thoại, tranh luận. Không đơn giản, xuôi chiều, Trần Đình Hượu thường
đặt lại vấn đề, xem xét vấn đề dưới góc độ khác, với chủ trương tôn trọng quá
khứ, phân tích một cách khách quan các sự kiện lịch sử để tìm ra chân lý.
Bài viết được tác giả hoàn thành năm
1986, vào thời điểm Đảng ta phát động công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
văn hóa dân tộc sẽ ứng xử thế nào đây trong bước chuyển lớn này? Ông viết: “Nay
chúng ta bước vào một khúc ngoặt vĩ đại của lịch sử, không thể không làm công
việc tự ý thức, tự phê phán nghiêm túc văn hóa dân tộc như một yêu cầu như một
yêu cầu của sự phát triển là một cảm hứng quan trọng trong nhiều công trình của
Trần Đình Hượu.
2. Về văn hóa Việt Nam
Ở
nước ta, nhất là thời điểm Trần Đình Hượu viết bài này, cách tiếp cận văn hóa
dân tộc, đôi khi còn dựng lại ở mục đích tuyên truyền chứ chưa phải là khoa học.
Trong phần mở đầu bài viết ( không được trích trong Ngữ văn 12), ông nhẹ nhàng chỉ ra hạn chế của cách tiếp cận đó như:
“Khi kháng chiến thì nói đặc tính của dân tộc ta là yêu nước, bất khuất, khi xã
hội xã hội chủ nghĩa thì là cần cù lao động, khi gặp khó khăn thì lại là lạc
quan yêu đời”. Không nhằm thỏa mãn tinh thần dân tộc hay mục tiêu tuyên truyền,
với tư cách là nhà khoa học, Trần Đình Hượu tìm bản sắc văn hóa dân tộc với cái
nhìn khách quan, kh, đi tìm những yếu tố kế thừa và những yếu tố cần vượt qua của
văn hóa truyền thống. Theo ông, “Tìm đặc sắc văn hóa dân tộc không phải chỉ để
bồi dưỡng lòng tự hào, không phải chỉ để kế thừa theo lối lấy, bỏ, thêm, bớt mà
còn để phát huy tiềm năng sáng tạo, giải phóng sức sáng tạo. Về mặt ấy thì thiên
hướng, mục tiêu, cung cách sáng tạo đã bộc lộ trong quá khứ - có phần là mặt mạnh,
có phần là mặt yếu – mới chỉ bảo được nhiều cho chúng ta trên bước đường hiện đại
và tương lai” (Đoạn này cũng thuộc phần đầu bài viết không được trích trong
sách giáo khoa). Cách đặt vấn đề của ông vì thế hấp dẫn, thuyết phục và có ý
nghĩa.
II-
PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
1. Khái niệm “vốn văn hóa dân tộc”
Khái
niệm “văn hóa” được tác giả sử dụng để chỉ các lĩnh vực như là các thành tố cấu
thành: tôn giáo, triết học, khoa học, âm
nhạc, kiến trúc, văn học,…
Khung thời gian của “vốn văn hóa dân
tộc” được nói đến là trước thời kì cận – hiện đại, tức là khoảng từ đầu thế kỷ
XX trở về trước, trước khi tiếp xúc văn hóa Đông – Tây thực sự diễn ra và có thể
làm biến đổi văn hóa truyền thống.
Trong cụm từ “vốn văn hóa dân tộc” có
khái niệm “dân tộc”. Tất nhiên đây cũng là một khái niêm khoa học khá phức tạp
mà chương trình Ngữ văn lớp 12 chưa đề cập đến, song cần hiểu bản thân “dân tộc”
đã chỉ khả năng giao lưu, tiếp nhận văn hóa và yêu cầu so sánh với văn hóa các
dân tộc khác. Bàn về bản sắc hay đặc sắc của văn hóa dân tộc, theo Trần Đình Hượu,
là đề cập toàn diện, cả sở trường và sở đoản, cả khuyết tật: “Trong sự sáng tạo
văn hóa, mỗi dân tộc hình như từ lâu đã có những thói quen, những ưa thích, những
sở trường, những khuyết tật làm nên đặc sắc của nó. Nắm vững những cái đó, bước
đi ở hiện tại sẽ ít mù quáng hơn và cũng nhờ thế có thể phần nào dự đoán để định
hướng cả bước đi trong tương lai”. Chủ trương tìm cả sở trường và khuyết tật
này của văn hóa dân tộc sẽ được nhà nghiên cứu nhất quán trong phần viết được
trích dẫn trong sách giáo khoa Ngữ văn
12.
Tất
cả những nhận xét của Trần Đình Hượu về vốn văn hóa Việt Nam đều xuất phát từ sự
so sánh ngầm ẩn với văn hóa các dân tộc
khác (ông viết: giữa các dân tộc) mà
do lối viết uyên bác của mình, ông không đi sâu chứng minh cụ thể, song với vốn
văn hóa phổ thông, chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy các dẫn chứng.
2. Đánh giá khách quan, nghiêm túc về văn hóa Việt Nam
-
Nhận
định tổng quát của ông mở đầu cho luận bàn trong đoạn trích này có thể khiến
cho những người có đầu óc dân tộc chủ nghĩa, quen ca ngợi một chiều bản sắc dân
tộc giật mình, thậm chí khó chịu:
“
Giữa các dân tộc, chúng ta không thể tự hào là nền văn hóa của ta đồ sộ, có những
cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật”.
Chúng
ta không có một nền văn hóa có tầm cỡ, có thể ảnh hưởng đến văn hóa thế giới,
hay có đặc sắc nổi bật. Một nhận xét tổng quát có vẻ nhiêm khắc khi đặt văn hóa
Việt Nam trên bình diện toàn nhân loại (giữa
các dân tộc). Phương pháp được sử dụng ở đây là phương pháp so sánh, giúp
người viết tránh được những nhận định tùy tiện về bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhưng nhận định này cũng gợi hứng thú
vì cách đặt vấn đề dũng cảm, mới mẻ, hứa hẹn cách triển khai phân tích hấp dẫn.
-
Lập
luận: tác giả nêu đặc trưng văn hóa các dân tộc khác để so sánh. “Ở một số dân
tộc hoặc là một tôn giáo, hoặc là một trường phái triết học, một ngành khoa học,
một nền âm nhạc, hội họa,… phát triển rất cao, ảnh hưởng phổ biến và lâu dài đến
toàn bộ văn hóa, thành đặc sắc văn hóa của dân tộc đó, thành thiên hướng văn
hóa của dân tộc đó”. Ở đây nói đến sự phát triển cao của một số thành tựu văn
hóa nhất định của một dân tộc nào đó có ảnh hưởng phổ biến, lâu dài đến văn hóa
toàn nhân loại.
Trong
tương quan so sánh, ở văn hóa Việt Nam truyền thống, không có gì đạt đến đỉnh
cao, cái gì cũng có song không đạt tầm cỡ kỷ lục. Thần thoại không phong phú,
tôn giáo hay triết học đều không phát triển: “Người Việt Nam không có tâm lí kiền
thành, cuồng tín tôn giáo, mà cũng không say mê tranh biện triết học. Các tôn
giáo đều có mặt nhưng thường là biến thành một lối thờ cúng, ít ai quan tâm đến
giáo lý. Không có một ngành khoa học, ky thuật, giả khoa học (khái niệm giả khoa học chỉ các môn phái khoa học
thần bí thời xưa như luyện kim đan, làm thuốc trường sinh bất tử…) nào phát triển
đến thành có truyền thống. Âm nhạc, hội họa, kiến trúc đều không phát triển đến
tuyệt kỹ”. Nhận xét về thơ, ông đưa ra một nghịch lý: “Hầu như người nào cũng
có thể, cũng có dịp làm dăm ba câu thơ. Nhưng số nhà thơ để lại nhiều tác phẩm
thì không có”.
-
Phác
họa nguyên nhân: “Thực tế đó cho ta biết khuynh hướng, hứng thú, sự ưa thích,
nhưng hơn thế, còn cho ta biết sự hạn chế của trình độ sản xuất, của đời sống
xã hội. Đó là văn hóa của dân nông nghiệp định cư, không có nhu cầu lưu chuyển,
trao đổi, không có sự kích thích của đô thị”. Nhận định về nguyên nhân ở đây thực
ra là không mới, vì các yếu tố nêu lên đã được nhiều người nhận xét. Chẳng hạn
như cội rễ văn hóa nông nghiệp, chủ trương bế quan tỏa cảng, đô thị kém phát
triển, không coi trọng thương nghiệp,… Cái mới là sự liên hệ nhất quán của tác giả giữa cái nền tảng
kinh tế, phương thức sản xuất với bản sắc văn hóa dân tộc để chỉ ra cội rễ của
những hạn chế. Tất nhiên, một kết luận có thể rút ra được từ đây là để phát triển
văn hóa cần công nghiệp hóa, đô thị hóa, cần mở rộng giao lưu quốc tế. Những
phân tích có tính triết học về văn hóa dân tộc nhằm vào sự phát triển, đổi mới
chứ không nhằm mục đích tuyên truyền.
3. Phân tích tính chất trung dung của văn hóa Việt Nam.
Sau
nhận định tổng quát, Trần Đình Hượu phân tích chỉ ra tính chất trung dung văn
hóa Việt Nam. Trung dung là chọn cái
giữa, giữ thế trung bình, không thiên lệch về một phía nào, không thái quáện ở
các mà cũng không bất cập:
-
Về
tôn giáo: Người Việt Nam “ít tinh thần tôn giáo”, biểu hiện ở các quan niệm ứng
xử sau: “Người Việt Nam có thể coi là ít tinh thần tôn giáo. Họ coi trọng hiện
thế trần tục hơn thế giới bên kia. Không phải người Việt Nam không mê tín, họ
tin có linh hồn, có ma quỷ, thần Phật. Nhiều người thực hành cầu cúng. Nhưng về
tương lai, họ lo cho con cháu hơn là linh hồn của mình. Tuy là coi trọng hiện
thế nhưng cũng không bám lấy hiện thế, không quá sợ hãi cái chết (sống gửi thác
về)”. Nếu so sánh với một số dân tộc có cuồng tín tôn giáo thì tinh thần hiện
thực, không cuồng tín tôn giáo là mặt mạnh của tư duy cần ghi nhận của dân tộc
ta. Nhưng điệu cần chú ý ở đây: Trần Đình Hượu nhắm vào cái tính chất nửa vời,
nước đôi của niềm tin tôn giáo ở người Việt, vừa sống theo thế tục lại vừa có
niềm tin vào linh hồn, ma quỷ. Vả lại cũng có những hạn chế tư duy thế tục, như
chính Trần Đình Hượu đã viết ở một đoạn khác: “Thói quen gạt bỏ những cái xa vời,
khó hiểu, xa lánh quỷ thần, không quan tâm đến thế giới linh thiêng làm cho con
người không bỏ mê tín song cũng không hứng thú cái thần bí, không tò mò và ít
hoài nghi, không say mê tìm hiểu những cái chưa biết, gạt bỏ những cái khác lạ”.
-
Về
ý thức cá nhân và sở hữu: “Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu không
phát triển cao. Của cải vẫn được quan niệm là của chung, giàu sang chỉ là tạm
thời, tham làm giành giật cho nhiều nhưng cũng không giữ mãi mà hưởng được. Người
ta mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh nhàn,
thong thả, có đông con nhiều cháu, ước mong về hạnh phúc nói chung là thiết thực,
yên phận thủ thường, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người”. Tinh thần cộng
đồng, chủ trương sống an nhàn, không có khát vọng cao xa, hơn người vừa là mặt
tích cực vừa là mặt hạn chế vì không kích thích con người cá nhân phát triển.
-
Một
loạt những biểu hiện khác về phương diện tư duy: “Không chuộng trí mà cũng
không chuộng dũng. Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ […].
Trong tâm trí nhân dân thường có Thần và Bụt mà không có Tiên. Thần uy linh bảo
hộ dân và Bụt hay cứu giúp mọi người; còn Tiên nhiều phép lạ, ngao du ngaoif thế
giới thì xa lạ. Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là “ăn
cỗ đi trước, lội nước theo sau”, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó
khăn. Đối với cái dị kỷ, cái mới, không dễ hòa hợp những cũng không cự tuyệt đến
cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ
mình.
Không
thể đánh giá một chiều hoặc tích cực hoặc tiêu cực đối với các biểu hiện tư duy
nói trên, có cả tiêu cực, cả tích cực. Nhưng nếu nhìn theo quan điểm phát triển,
dễ thấy có những cản trở nhất định. Chẳng hạn như, chỉ hướng đến Thần và Bụt vì
mục đích thực dụng mà thấy xa lạ với Tiên thì trong tư duy rõ ràng không coi trọng
sự phiêu diêu, bay bổng một cách lãng mạn; không coi trọng trí tuệ mà chỉ ca tụng
sự khôn khéo thì dễ sa vào tiểu xảo, chỉ giỏi mô phỏng, bắt chước, “nhái lại” sản
phẩm của người khác chứ khó mà sáng tạo mới, độc đáo. Nếu quá lo thủ thế giữ mình
trong bốn lũy tre làng, khó hòa hợp với cái mới (trong cái mới có cái khác
mình) thì khả năng phát triển tất nhiên sẽ bị hạn chế.
-
Về
thẩm mỹ: Trần Đình Hượu phân tích các biểu hiện khác nhau của quan niệm thẩm mĩ
có tính trung dung của người Việt. “Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không
háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng
cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải
khoảng. Giao tiếp, ứng xử chuộng hợp tình hợp lý, áo quần, trang sức, món ăn đều
không chuộng sự cầu kỳ. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch,
duyên dáng và có quy mô vừa phải”.
Một
quan niệm thẩm mỹ như thế tạo ra cái đẹp độc đáo, đặc sắc riêng nhưng cũng khó
có thể sản sinh ra những sáng tạo kỳ vĩ, huy hoàng, đạt tầm cỡ nhân loại. Một
trong những ví dụ cho phép hình dung quan niệm thẩm mĩ có tính trung dung như
thế là kiến trúc: “Không có công trình kiến trúc nào, kể cả của vua chúa, nhằm
vào sự vĩnh viễn”. Ta hiểu đó là tác giả đang ngầm so sánh với những công trình
kiến trúc nổi tiếng thế giới như Kim Tự Tháp, Ăng Co, Vạn lí trường thành,…
Lý
giải bản chất và nguồn gốc tâm lý của văn hóa dân tộc, tác giả viết: “Hình như
ta coi trọng Thế hơn Lực, quý sự kín đáo hơn sự phô trương, sự hòa đồng hơn rạch
ròi trắng đen. Phải chăng đó là kết quả của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, về thực
tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc?
Nhìn
vào lối sống, quan niệm sống, ta có thể nói người Việt Nam sống có văn hóa, người
Việt Nam có nền văn hóa của mình. Nhưng cái thô dã, những hung bạo đã bị xóa bỏ
để có cái nền nhân bản. Tinh thần chung của
văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa. Không có khát vọng để
hướng đến những sáng tạo lớn mà nhạy cảm, tinh nhanh, khôn khéo gỡ các khó
khăn, tìm được sự bình ổn”.
Theo tác giả, có thể khẳng định rằng
văn hóa Việt Nam đã hình thành trong quá trình lịch sử, đây là một thực tế hiển
nhiên, “người Việt Nam có nền văn hóa cua mình”. Bản chất văn hóa là đối lập,
khắc phục cái bản năng hoang dã, xây dựng những giá trị nhân bản. Các tính chất
như tính thiết thực, linh hoạt, dung hòa là chỗ mạnh nhưng cũng bao hàm cả mặt
hạn chế của truyền thống tư duy dân tộc. Thiết thực như chính ông nói (ở một đoạn
khác), thì dễ nghiêng về duy vật, biện chứng tự phát, xa lạ với cái thần bí
nhưng cũng xa lạ với cái duy lý; linh hoạt thì uyển chuyển, không cứng nhắc,
song lại thiếu một phong cách riêng; dung hòa thì tránh được cực đoan, thái quá
song lại không thúc đẩy sự phát triển đến tận cùng, đến cực độ. Trong triết học
có quy luậtvề sự thay đổi của lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất. Chỉ đạt đến
0°
C thì nước mới đóng băng, chỉ đạt đến 100°
C thì nước mới bốc hơi. Các trạng thái nửa vời, trung dung
không đẩy sự vật phát triển tới một trình độ mới.
4. Vấn đề giao lưu văn hóa
Tổng kết lại điều vừa trình bày, tác
giả viết: “Những cái vừa nói là cái đã lắng đọng, đã ổn định, chắc chắn là kết
quả của sự dung hợp của cái vốn có, của văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo,
cái được dân tộc sàng lọc, tinh luyện để thành bản sắc của mình. Phật giáo, Nho
giáo tuy từ ngoài du nhập vào nhưng đều để lại dấu ấn sâu sắc trong bản sắc dân
tộc”.
Không
thể có một nền văn hóa dân tộc nào lại hình thành mà thiếu sự giao lưu, tiếp
xúc với các nền văn hóa khác. Do đó, bản sắc văn hóa dân tộc cũng cần được nhìn
từ góc độ giao lưu văn hóa. Một nền văn hóa bất kỳ nào cũng bao gồm thành tố
văn hóa bản địa (tác giả dùng “cái vốn có”) và văn hóa ngoại nhập. trong văn
hóa Việt Nam, sự có mặt của các học thuyết Nho – Phật – Đạo đến từ văn hóa bên
ngoài, làm phong phú thêm cho văn hóa Việt Nam truyền thống. Nho giáo và Đạo
giáo của Trung Quốc, Phật giáo của Ấn Độ (Phật giáo Thiền tông lại là sản phẩm
kếp hợp của Phật giáo Ấn Độ và Đạo giáo Trung Quốc). Giao lưu văn hóa là sự tiếp
xúc văn hóa, là cho và nhận những giá trị văn hóa, dẫn đến sự tinh luyện các
giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa ngoại nhập, làm thành văn hóa đặc sắc của
riêng mình. Tất nhiên, ở đây đang bàn về văn hóa truyền thống, tức văn hóa từ
cuối thế kỷ XIX trở về trước nên tác giả mới đề cập đến Nho – Phật – Đạo mà
chưa nói đến văn hóa phương Tây, chưa nói đến Thiên Chúa giáo.
Nhà
nghiên cứu lưu ý, các thành tố văn hóa ngoại sinh có ảnh hưởng ở Việt Nam với mức
độ và tính chất khác nhau, phản ánh đặc điểm của chính văn hóa Việt Nam trong
khi lựa chọn nguồn ảnh hưởng. Ông viết: “Phật giáo, Nho giáo tuy từ ngoài du nhập
vào nhưng đều để lại dấu ấn sâu sắc trong bản sắc dân tộc. Có điều, để thích ứng
với cái vốn có, Phật giáo không được tiếp nhận ở khái cạnh trí tuệ, cầu giải
thoát, mà Nho giáo cũng không được tiếp nhận ở khía cạnh nghi lễ tủn mủn, giáo
điều khắc nghiệt. Đạo giáo hình như không có nhiều ảnh hưởng trong văn hóa như
tư tưởng Lão – Trang thì lại ảnh hưởng nhiều đến lớp trí thức cao cấp, để lại dấu
vết khá rõ trong văn học”.
Tuy
chưa có dịp phân tích kĩ trong bài viết này, song Trần Đình Hượu đã lưu ý rằng
các học thuyết Nho – Phật – Đạo có vai trò, vị trí khác nhau đối với văn hóa Việt
Nam; bản thân các tầng lớp xã hội khác nhau cũng tiếp nhận những giá trị văn
hóa này không giống nhau. Và văn hóa Việt Nam cũng có sự lựa chọn, thanh lọc để
tìm lấy những yếu tố thích hợp cho mình chứ không bê nguyên xi tất cả các học
thuyết đó.
Bài
học rút ra từ giao lưu văn hóa trong quá khứ là: “Con đường hình thành bản sắc
dân tộc của văn hóa không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của mình dân tộc đó mà
còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa những giá trị văn hóa
bên ngoài. Về mặt đó, lịch sử chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh”. Vấn
đề giao lưu văn hóa được tác giả đề cao, nhưng giao lưu không thể là hành động
sao chép, trở thành bản phô tô cóp pi của văn hóa bên ngoài mà là “khả năng chiếm
lĩnh, khả năng đồng hóa” văn hóa bên ngoài. Khả năng ấy được tác giả gọi bằng
khái niệm “bản lĩnh”. Bản lĩnh là sự tự tin, không kiêu căng mà cũng không tự
ti, không coi thường giá trị văn hóa nhân loại nhưng cũng không choáng ngợp trước
văn hóa bên ngoài, biết thâu tóm cái tinh hoa cần cho văn hóa dân tộc mình.
Nhìn
chung, bằng lố trình bày điềm tĩnh, nhẹ nhàng mà sâu sắc, ẩn chứa kiến thức
uyên bác và nỗi niềm trăn trở suy tư cho đường đi của văn hóa dân tộc vào thời
điểm mở đầu công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, Trần Đình Hượu đã phát biểu tư
tưởng mới, thẳng thắn, có ý nghĩa xây dựng để tất cả người Việt Nam cùng suy
nghĩ về vấn đề trọng đại này. Để kết thúc, có thể dẫn lời của Trần Ngọc Vương,
một học trò gần gũi của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu: “Là nhà nghiên cứu triết
học và lịch sử tư tưởng, tự đòi hỏi phải xác lập cho mình thói quen tư duy mang
tính lý thuyết liên tục, nhưng những kết quả cụ thể thể hiện trong các công
trình, các bài viết chủ yếu của ông cũng thấm đẫm tinh thần phục vụ thực tiễn.
Tuy nhiên, tính thực tiễn đó không thể được hiểu là sự bình tán dễ dãi hay sự
minh họa, phụ họa cho những kết luận nào đó có sẵn, mà là những nỗ lực liên tục
của lao động trí tuệ đặng tìm tới những kiến giải vì thực tế, mở đường cho việc
nhận thức và chỉ đạo thực tế có hiệu quả hơn” (Nhiều tác giả, Chân dung một thế kỉ Đại học Quốc gia Hà Nội,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006).