HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT
(Trích)
I-
NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ
1. Về tác giả và thời điểm tác phẩm ra đời
Lưu
Quang Vũ (1948 – 1988) quê gốc ở Đà Nẵng, sinh tại huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ.
Thuở nhỏ, Lưu Quang Vũ sống với gia đình tại chiến khu Việt Bắc; từ năm 1954, về
Hà Nội sống và học tập. Năm 1965, Lưu Quang Vũ gia nhập quân đội, phục vụ trong
Quân chủng Phòng không – Không quân; năm 1970 ra quân, làm nhiều nghề để mưu
sinh nhưng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực văn nghệ. Từ năm 1978 đến khi mất,
là biên tập viên tạp chí Sân khấu. Lưu
Quang Vũ qua đời cùng vợ và con trai trong một tai nạn giao thông thảm khốc, giữa
lúc tài năng đang chín rộ.
Lưu Quang Vũ được đánh giá là một
trong những nhà viết kịch tài năng nhất của văn nghệ Việt Nam hiện đại. Ông có
công lớn góp phần vực dậy cả một nền sân khấu lúc đó đang có nguy cơ tụt hậu. Kịch
của Lưu Quang Vũ hấp dẫn chủ yếu bằng xung đột trong cách sống và quan niệm sống,
qua đó, khẳng định khát vọng hoàn thiện nhân cách con người.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt
(viết năm 1981 nhưng
đến 1984 mới ra mắt công chúng) là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu
Quang Vũ, đã công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước.
2. Về tích truyện
Vở
kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt được
tác giả Lưu Quang Vũ hoàn thành năm 1984, công diễn lần đầu năm 1987. Đây là vở
kịch rất thành công, đã được Nhà hát kịch Việt Nam diễn khoảng 500 buổi, chưa kể
các đoàn chèo, cải lương đã dàn dựng và diễn theo (theo Hồ Anh Thái, trong Lưu Quang Vũ – về tác gia và tác phẩm, NXB
Giáo dục, 2007).
Về
tích truyện, trong văn học Việt Nam, có hai tích truyện về bi kịch hồn người nọ
xác người kia. Trước hết là truyện dân gian Hồn
Trương Ba, da hàng thịt và vở tuồng hài dân gian Trương Đồ Nhục. Nhưng nếu so sánh thì dấu ấn của Hồn Trương Ba, da hàng thịt là rõ hơn Trương Đồ Nhục. Tuy nhiên, Lưu Quang Vũ
đã từ câu chuyện cũ nâng lên thành những vấn đề đầy tính triết lí về cuộc sống
và giá trị mà các tích cũ chưa có được.
3. Về cách đọc và giải thích Hồn
Trương Ba, da hàng thịt
Trước hết cần xác định nội dung khái
niệm hồn trong vở kịch này. Hồn có nhiều hàm nghĩa:
-
Linh
hồn: tức phần quan trong nhất của một sự vật, quyết định sự sống của sự vật (mất hồn, hết hồn, hồn lìa khỏi xác là
cách nói ám chỉ sự khống không còn). Theo nghĩa này, hồn và vía có phần giống
nhau, thường được ghép chung trong từ hồn
vía. Nhìn chung, cách hiểu khái niệm “linh hồn” như là cách hiểu dân gian,
có sắc thái tâm linh. Người xưa tin rằng hồn
và xác tách rời nhau, thể xác có
thể mất đi nhưng linh hồn thì bất diệt, có thể tái sinh hết kiếp này sang kiếp
khác – linh hồn là bất tử, có thể chiêu hồn, gọi hồn. Trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang
Vũ đã khai tác quan niệm truyền thống về
hồn và xác (vì lí do hiệp vần nên
gọi là da) lấy đó làm điểm tựa để triển
khai các triết lí.
-
Nhưng
hồn còn có nghĩa là tâm hồn, tư tưởng
và tình cảm của con người, phân biệt với thân xác. Trong lời đối thoại giữa hồn
Trương Ba với xác hàng thịt, hoặc với Đế Thích, hồn hàm nghĩa là tâm hồn, là
tư tưởng, cảm xúc, có lúc cụ thể hóa
bằng những từ ngữ như xao xuyến, lâng
lâng cảm xúc.
-
Là
một vở kịch đa nghĩa, có những cách giải thích khác nhau đố với chủ đề của tác
phẩm này (Theo Lưu Quang Vũ – Về tác gia
và tác phẩm, sđd), có thể dẫn ra để tham khảo:
+
Tác phẩm nói về tấn bi kịch toàn nhân loại: “Mọi người từ Ngọc Hoàng đến anh
hàng thịt không ai có được cái hồn của mình trong cái xác của mình. Mà hạnh
phúc của con người lại khác: mình phải là chính mình” (Phan Ngọc).
+
“Không thể sống với bất cứ giá nào. Có những giá đắt quá, không thể trả được” –
với những kết luận đắng chát như thế, hồn Trương Ba tự nguyện rút vào cõi hư
vô… Trên thế giới này, nơi những con người hướng thiện là đau khổ, cô độc và thất
bại, họ chỉ có thể trở về nơi cõi hư vô tịch diệt. Cái duy nhất mà họ có thể
làm được, như Trương Ba của Lưu Quang Vũ làm, là trung thành đến cùng với bản
chất của mình, giữ gìn cho bằng được, bằng giá của ngay sự sống, cái phẩm giá
con người của mình” (Phạm Vĩnh Cư).
+
“Vở kịch không chỉ dừng nói đến sự hòa hợp và ý thức đạo lý về phần hồn và phần
xác của con người mà còn đề cao cuộc đấu tranh cho sự hoàn thiện nhân cách con
người… Những rắc rối đổ vỡ bắt nguồn tự sự sống vay mượn của Trương Ba trong
xác anh hàng thịt đã khiến cho chúng ta thấy: Cuộc sống thật là đáng quý nhưng
không phải sống thế nào cũng được. Cuộc sống chỉ có giá trị khi con người được
sống đúng là mình, được sống trong một thế giới thống nhất” (Lưu Khánh Thơ).
+
“Ý nghĩa câu chuyện không được trình bày thẳng băng, cụ thể mà thông qua cuộc đấu
tranh hết sức khốc liệt, phức tạp giữa phần hồn với phần xác; tác giả muốn đề cập
đến vấn đề mang tầm khái quát cao đó là: sự tha hóa của con người tốt trong môi
trường xấu” (Cao Minh)
+
“Linh hồn và thể xác là một thể thống nhất trong đó linh hồn giữ vị trí chủ đạo
nên linh hồn phải chịu trách nhiệm cuối cùng về hành động của thể xác, không thể
thỏa mãn mọi nhu cầu ở mọi mức độ, mọi nơi, mọi lúc rồi đổ trách nhiệm cho thể
xác. Cuộc đấu tranh trong bản thân con người để làm chủ những nhu cầu và ham muốn,
nhất là khi bị hoàn cảnh tác động. Ở đây, cuộc đấu tranh này cũng cảnh báo khả
năng lấn át của thể xác, của những nhu cầu tầm thường đối với linh hồn tức là đối
với khát vọng sống cao khiết” (Đặng Hiển).
+
“Nghĩa tự nó của Hồn Trương Ba, da hàng
thịt là nghĩa mà lâu nay các thế hệ lĩnh hội từ câu chuyện: sự hòa hợp và ý
thức đạo lí về phần hồn và phần xác của con người. Còn nghĩa cho nó là cuộc đấu
tranh cho sự hoàn thiện nhân cách con người mà chúng ta đang tiến hành hiện nay
theo đòi hỏi không chỉ của ý thức đạo lý mà còn của chính nhu cầu tồn tại của
con người, là quan niệm nhân sinh trong môi trường đạo đức xã hội mới” (Phan Trọng
Thưởng).
II-
PHÂN TÍCH ĐOẠN TRÍCH
1. Đặc điểm về nội dung
Đối
với một văn bản tác phẩm kịch thì cách phân tích thuận tiện hơn cả là phân tích
các đối thoại, xung đột giữa các nhân vật. Sự tồn tại của các nhân vật trong kịch
là tồn tại thông qua các đoạn đối thoại. Giữa các màn đối thoại có sự gắn kết
logic khá chặt chẽ. Màn đối thoại này bổ sung cho màn đối thoại kia, đem lại tầng
triết lí khác nhau cho vở kịch.
a) Đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác
hàng thịt
Đây
là đoạn có màu sắc kịch phi lí, vì thực tế không thể có cuộc trò chuyện giữa hồn
và xác. Nhưng hình thức phi lí đã chuyển tải triết lí mà tác giả muốn gửi gắm.
Một
cuộc tranh luận giữa hồn và xác xem ai có vai trò lớn hơn, quan trọng hơn. Hồn
có xuất phát điểm đầy tự tin về tầm quan trọng của mình
Thân
xác cho rằng mình cũng có tầm quan trọng, mặc dù thân xác rất khiêm tốn, luôn gọi
hồn là ông trong khi hồn lại chỉ dùng
từ mày đầy miệt thị. Một đặc điểm nữa
của cuộc đối thoại là hồn luôn nêu vấn đề trước, gây hấn trước và xác chỉ trả lời
hay phản biện lại luận điểm của hồn.
Hồn: “Cái thân
thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc!”.
Xác: “Cái linh
hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được
đâu, dù tôi chỉ là thân xác…”.
Hồn: “Mày không
có tiếng nói, mày chỉ là xác thịt âm u đui mù…”.
Xác: “Xác thịt
này có tiếng nói đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, dã luôn bị tiếng nói ấy
sai khiến…”.
Thực
ra, qua cuộc đối thoại dài và rất căng thẳng ấy, ta thấy rõ cả hồn và xác chỉ
là hai phương tiện của một con người, một nhân cách. Xác hàng thịt đã có lí lẽ
của nó: “tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực” khi bên cạnh một người phụ nữ là
cách xác diễn đạt sự xao xuyến của hồn hay khi hồn Trương Ba tát thằng con tóe
máu mồm thì tức là cơn giận (một trạng thái cảm xúc) đã được xác hiện thực hóa.
Nghĩa là những rung động của cảm xúc phải được thể hiện qua thân xác, còn thân
xác có vai trò chuyển tải cảm xúc.
Hồn: “Ta vẫn
có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”.
Xác: “Nực cười
thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận
là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!”.
Bất cứ hành động nào cũng xuất phát từ
ý muốn, dục vọng từ hồn (ta gọi là động cơ) nhưng thân xác thực hiện ý muốn đó,
dẫu chỉ từ một ánh mắt, một nụ cười. Cái cảm xúc được thể hiện thông qua các
giác quan, tức thân thể. Xác nói: “Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới
này qua những giác quan của tôi” và tuyên bố một chân lý: “chúng ta tuy hai mà
một”.
Xác
cũng nêu những bằng chứng cho thấy sự gắn kết qua lại của thân xác và linh hồn
(hay là thân xác và tâm lý): khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc
phạm thể xác. Xác đã phê phán chủ trương của giới trí thức đề cao tâm hồn, coi
thường sự tồn tại của thân xác mà bỏ bê thân xác họ khổ sở nhếch nhác. (Các tôn
giáothường tuyên truyền lối sống khắc kỷ, coi thường nhu cầu vật chất, coi thường,
khinh miệt bản năng tính dục… tức là coi thường thân xác). Không thể coi cái
nào quan trọng hơn cái nào giữa phần hồn và thể xác. Đó là một quan niệm hiện đại,
đúng đắn. Vấn đề không phải là tuyên truyền sự khắc kỉ mà là chú ý đến nhu cầu
của thể xác. Nghe qua có cảm tưởng phàm tục song có lý: “Mỗi bữa tôi thèm ăn
tam, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào? Lỗi là ở chỗ không
có đủ tám, chín bát cơm cho tôi ăn chứ!”.
Trong
cuộc tranh luận, dần dần hồn đuối lý, lý lẽ càng kém sắc sảo và trở nên ấp úng.
Vì đuối lý nên các phản ứng của hồn ngày càng yếu ớt, thậm chí chỉ biết
“nhưng…nhưng” và “lý lẽ của anh thật đê tiện” rồi kêu trời. Một tầng nghĩa của
vở kịch đa nghĩa này là chúng ta cần tôn trọng cả thân xác. Thân xác là một
phương diện không thể thiếu được của nhân cách con người. Điều này chính Đế
Thích cũng sẽ nói “Ra khỏi thân xác, hồn chẳng còn cái gì nữa”.
Nhưng
màn đối thoại cũng cho thấy sự bế tắc của cuộc tranh luận. Sự gắn bó giữa hồn
và xác là quan trọng nhưng không thể theo cách lấy xác của người này ghép vào hồn
người khác. Mỗi con người là một thực thể riêng biệt, không lặp lại. Khi xác
hàng thịt kêu gọi hồn Trương Ba “phải sống hòa thuận với nhau” tức là kêu gọi một
sự gán ghép khiên cưỡng, bất hợp lý. Vở kịch có nhiều tầng nghĩa đan xen nhau.
b) Đối thoại giữa hồn Trương Ba với người
thân
Hồn
Trương Ba đối thoại với vợ, con gái, con dâu. Các kiểu phản ứng khác nhau cảu
người thân Trương Ba vì hồn và thân xác không phải là củ một người cho thấy ông
gặp phiền toái và rắc rối như thế nào.
hiểu nhầm chồng, người vợ nói muốn đi khỏi nhà
“để ông được thảnh thơi với cô vợ người hàng thịt”.
Đứa
cháu tên Gái không công nhận ông vì ông đã trở thành một người vụng về, thô lỗ,
phũ phàng. Bàn tay của người hàng thịt không thể khéo léo như của Trương Ba được
nên hễ động vào cây cối trong vườn là làm gãy, nát; chữa diều cho cu Tị thì gãy
nan, rách giấy. Cái Gái mắng ông là “đồ tể”.
Trong cuộc đối thoại, có lẽ người con
dâu là nói những điều triết lý hơn cả. “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không
đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau
đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả như lệch lạc,
nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra…”. Vậy là không phải
chỉ có cái bên trong mới là quan trọng duy nhất. Việc đề cao thiên lệch một
trong hai yếu tố hồn hay xác đều bất ổn. Nhưng thân xác phải thống
nhất, hài hòa với hồn. Trương Ba đã đau đớn nhận ra rằng ảo tưởng về sự không
quan trọng của thân xác đã dẫn đến sai lầm, thân xác của người hàng thịt không
hòa hợp với hồn của lão dẫn tới bao nhiêu phiền toái. Bắt đầu có ý nghĩa triết
lý: hồn không cần cái đời sống do thân xác xa lạ mang lại. Chuyện chuyển sang
cuộc đối thoại với Đế Thích.
c)
Đối
thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích
Sự
xuất hiện của Đế Thích đúng lúc Trương Ba đã nhận thấy đã đến lúc không thể chấp
nhận được sự sống do một thân xác xa lạ đem lại.
Hồn Trương Ba: “không thể bên trong một
đằng, bên ngoài môt nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Khát vọng vủa
Trương Ba lại đề cập đến một tầng sâu triết lý khác, phản đối sự phân vân, sự
nước đôi, hay nói đúng ra là sự giả dối, bên trong thế này, bên ngoài thế khác.
Đế Thích: “Thế ông ngỡ tất cả mọi người
đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được
sông theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm
khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên bầu
trời đều như thế cả, nữa là ông?”. Đế Thích đã đề cập đến một bi kịch có tính
phổ biến của nhân loại, ngay cả Ngọc Hoàng thượng đế là đấng tối cao cũng nhiều
khi không thể là chính mình, cũng phải khuôn theo một danh vị nào đó chứ không
phải là chính mình. Đó là bi kịch của sự phân thân, thực chất là giả dối. Tầng
triết lý mới lại đã được mở ra.
Cuộc
đối thoại tiếp tục đào sâu vào triết lý. Hồn Trương Ba yêu cầu Đế Thích trả lại
sự sống cho người hàng thịt. Bản thân hồn Trương Ba sẵn sàng trả lại thân thể
cho anh hàng thịt: “Thân thể anh hàng thịt còn lành lặn nguyên xi đây, tôi trả
lại cho anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống lại với thân xác này”. Bởi
vì theo hồn Trương Ba, tâm hồn của anh hàng thịt tuy tầm thường nhưng “đúng là
của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra để sống với
nhau”. Hãy đẻ cho con người là chính mình.
Với
kinh nghiệm và nhận thức như thế, khi Đế Thích gợi ý để hồn Trương Ba nhập vào
xác cu Tị, hồn Trương Ba đã cân nhắc, suy nghĩ kỹ, và đã từ chối. “Bao nhiêu sự
rắc rối. Bà vợ tôi, các con tôi sẽ nghĩ ngợi, xử sự thế nào, khi chồng mình, bố
mình mang thân một thằng bé lên 10? Làm trẻ con không phải dễ!”. Hồn Trương Ba
lường trước nhiều sự cố bất tiện, nào là cu Tị bỗng thành ông nội, rồi ông sẽ sống
dai hơn tất cả vợ, bạn bè cùng lứa, sẽ lạc vào đám hậu sinh bất đồng với thế hệ
ông về sở thích… Hồn Trương Ba không muốn vì sự sống trái với quy luật sinh tử ở
đời. Ông từ chối không nhập vào xác cu Tị vừa mới chết, ông xin Đế Thích giúp
cho cu Tị sống lại. Đồng thời ông nói “Tôi không muốn nhập vào hình thù ai nữa!
Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn”. Sống, chết theo quy luật của tự nhiên cuối
cùng lại là một chân lý sau một hồi tranh luận. Sự sống bao giờ cũng là đáng
quý, nhưng sống theo đúng quy luật, sống là chính mình, không phân tâm, giả dối
mới đáng sống.
Có
thể nói đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba với Đế Thích hàm chứa nhiều triết lý
quan trọng của vở kịch. Đế Thích nói việc Trương Ba chết là một nhầm lẫn của quan
thiên đình. Cái sai ấy được sửa chữa bằng cách làm cho hồn Trương Ba được sống.
Nhưng hồn Trương Ba nói: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép
chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng
một việc đúng khác”. Đây là một triết lý quan trọng, nhưng cũng là cách nhìn vấn
đề thân xác – tâm hồn ở khía cạnh khác. Đó là giây phút xuất thần. Hồn Trương
Ba đã thấy rõ việc sống lại bằng cách nhập vào thân xác hàng thịt là một sai lầm
lớn của Đế Thích và cả của ông nữa. Để sửa chữa, một là hãy để cho cu Tị sống lại,
hai là để cho ông chết hẳn. Hồn Trương Ba thấy mình thanh thản, nhẹ nhàng, thấy
mình chính là mình: “Không thể sống với bất cứ giá nào… Có những cái giá quá đắt,
không thể trả được… Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này,
tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản,
trong sáng như xưa…”.
Ai
cũng muốn sống, nhưng sống giả tạo, phân vân, sống mà không là chính mình thì
vô cùng đau khổ. Hồn Trương Ba: “Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống
thế này, còn khổ hơn là cái chết”. Đế Thích viện dẫn tình cảm riêng tư (sống để
chơi cờ) để thuyết phục hồn Trương Ba, nhưng nhận được câu trả lời: “Vì để chứng
minh ông tồn tại mà tôi cứ phải tiếp tục cuộc sống không phải là tôi ư?”. Những
câu đối thoại dần dần làm sáng tỏ tư tưởng quan trọng là cần sống với chính
mình, không giả dối, phân thân; tâm hồn, tư tưởng, tình cảm phải thống nhất với
thân xác. Trương Ba đã lìa đời để chấm dứt cuộc sống giả tạo, phân thân.
2. Đặc điểm về nghệ thuật
Nhìn
chung, trong cảnh VII, chúng ta đã thấy được phong cách kịch của Lưu Quang Vũ.
Từ một câu chuyện dân gian, nhà văn đã khai thác, phát triển để nêu nhiều vấn đề
quan trọng của con người trong thời hiện đại. Có nhiều tầng triết lý khác nhau
đan xen rất thú vị trong cảnh này, đến nỗi người xem có quyền tiếp nhận các triết
lý ấy tùy theo góc độ quan tâm của bản thân. Quá tình tạo nghĩa cho văn bản vẫn
tiếp tục sau khi nó được công bố.
Tuy
nhiên từ văn bản, các cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác hàng thịt, với
người thân và với Đế Thích, dễ thấy có một triết lý quan trọng được quan tâm: hồn
và xác là hai thực thể quan trọng làm nên nhân cách con người. Để là chính
mình, để không giả dối và phân thân, cần có cuộc sống hài hòa cả thân xác lẫn
tâm hồn. Vở kịch từ ý nghĩa đó, buộc chúng ta suy nghĩ, đấu tranh chống lại sự
giả dối vẫn tồn tại, hoặc là làm ra vẻ khinh miệt thân xác, coi thường nhu cầu
vật chất, coi thường đời sống bản năng nhưng thực chất che giấu bên trong những
dục vọng tầm thường; hoặc là sống buông thả theo bản năng tham muốn vật chất,
thiếu lí trí tỉnh táo. Tác phẩm buộc người đọc (người xem) phải suy nghĩ để sống
tốt hơn. Đó là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của vở kịch.